Xây dựng Quảng Trị thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước

(Chinhphu.vn) – Sáng 15/10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 345 đại biểu đại diện cho trên 47.000 đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, để xây dựng Quảng Trị lớn mạnh, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường, hành động quyết liệt, sáng tạo của nhân dân Quảng Trị trong những năm tháng kháng chiến.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng dự và trực tiếp chỉ đạo đại hội.

Khai mạc đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là sự kiện chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị.

Khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh là quê hương có bước phát triển đột phá mạnh mẽ hơn về kinh tế, xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ này là phải phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, khát vọng phát triển, tranh thủ mọi thời cơ, cơ hội mới, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, luôn nêu cao quyết tâm chính trị, đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động; tất cả mọi hoạt động phải vì sự ổn định và phát triển của quê hương Quảng Trị, để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI nêu rõ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực.

Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội có hiệu quả. Nhiều dự án trọng điểm đã được khởi động. Văn hóa, xã hội đạt được nhiều tiến bộ. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần thu hút nguồn lực cho phát triển. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt…

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, tính đến năm 2030, Đại hội đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu, 13 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, hiệu quả và liêm chính, phục vụ nhân dân.

Tỉnh phát huy ý chí, khát vọng vươn lên và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Ảnh: VGP/Minh Trang

Chỉ đạo tại Đại hội, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, để xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh thuộc nhóm có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và nằm trong nhóm 30 tỉnh đầu của cả nước vào năm 2030, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường, hành động quyết liệt, sáng tạo của nhân dân Quảng Trị trong những năm tháng kháng chiến. Quảng Trị huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Muốn vậy, tỉnh cần tập trung xây dựng hoàn thành quy hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; hoàn thành quy hoạch phát triển đô thị, ưu tiên phát triển thành phố Đông Hà mở rộng không gian kinh tế theo hướng biển, đưa Đông Hà trở thành khu đô thị trung tâm có tính lan tỏa kết nối với các khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực, khuyến khích đầu tư phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp may mặc, cảng biển và chú ý đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó, Quảng Trị cần phát triển toàn diện nông, lâm, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tỉnh đầu tư phát triển thương mại du lịch, dịch vụ, chú ý bảo vệ các giá trị truyền thống, di tích lịch sử cách mạng, công trình văn hóa tâm linh gắn với phát triển du lịch. Tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển và thực hiện tốt Đề án Festival vì hòa bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo sản phẩm đặc sắc riêng có của Quảng Trị.

Đồng thời, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đặc biệt đến các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Tỉnh cần lưu ý đến vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Quảng Trị về quốc phòng và an ninh; tập trung chỉ đạo xây dựng chiến lược phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Về xây dựng Đảng, tỉnh cần nâng cao chất lượng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm giữ gìn và tăng cường đoàn kết nội bộ, trước hết trong nội bộ cán bộ chủ chốt, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

Các cấp ủy, địa phương kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vòng cấm không có ngoại lệ, từ đó đó tạo động thuận cao hơn trong nhân dân, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển tỉnh Quảng Trị.

Đồng thời, tỉnh cần tập trung thực hiện tốt sắp xếp bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ phát triển.

Minh Trang

Biến nước tiểu thành gạch xây nhà

Nước tiểu kết hợp cùng cát và vi khuẩn sẽ tạo nên một loại vật liệu mới trong xây dựng, cứng hơn cả gạch đá vôi.

Tiến sĩ Dyllon Randall (bên trái) cùng các sinh viên tham gia dự án nghiên cứu. Ảnh: RT

Hãng RT đưa tin, các nhà khoa học tại Đại học Cape Town (Nam Phi) đã sáng tạo ra loại gạch đặc biệt, thân thiện với môi trường. Nhóm nghiên cứu trẻ đã thu thập nước tiểu từ nhà vệ sinh nam của khoa kỹ sư bên trong trường, sau đó trộn cùng cát và loại vi khuẩn sản sinh enzyme urease.

Quá trình kết tủa carbon vi khuẩn đã giúp hỗn hợp đông cứng lại ở nhiệt độ phòng, không giống gạch thông thường phải nung trong các lò đốt nhiệt độ cao 1.400 độ C, giải phóng rất nhiều khí CO2. Cụ thể, chất enzyme urease đã phân hủy urê trong nước tiểu, đồng thời sinh ra calcium carbonate thông qua phản ứng hóa học.

Gạch sinh học được tạo ra từ nước tiểu, cát và vi khuẩn. Ảnh: RT

“Bạn càng để những con vi khuẩn nhỏ bé hoạt động lâu bao nhiêu, sản phẩm gạch sẽ càng cứng bấy nhiêu. Chúng ta có thể tối ưu hóa quá trình này”, trưởng nhóm nghiên cứu Dyllon Randall cho biết.

Độ cứng và hình dạng của gạch sinh học có thể biến đổi theo ý muốn. Đặc biệt, vật liệu xây dựng này còn có khả năng cứng hơn gạch đá vôi đến 40%.

Hơn thế, quá trình sản xuất gạch sinh học này tạo ra phụ phẩm là nitrogen và kali, có thể dùng để sản xuất phân bón.

Theo nhà nghiên cứu Randall, nước tiểu chính là “vàng lỏng”. Về số lượng, nước tiểu chiếm chưa đầy 1% nước thải gia đình, tuy nhiên nó chứa đến 80% nitrogen, 56% phosphorus và 63% kali trong nước thải.

Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức

Thị trường xi măng phục hồi nhờ xuất khẩu

Xuất khẩu đang là động lực chính cho tăng trưởng của ngành công nghiệp xi măng khi tiêu thụ trong nước không biến động lớn.

Báo cáo về thị trường xi măng vừa công bố của StoxPlus cho biết, sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker đã đạt 80,3 triệu tấn trong năm 2017.

Mặc dù tiêu thụ nội địa đóng góp trên 70% tổng doanh thu trong nhiều năm, nhưng tăng trưởng hiện khá chậm, từ mức 9,5% (2015) còn 1,4% (2017). Chính hoạt động xuất khẩu, với 19,7 triệu tấn đã giúp thị trường tăng trưởng đến 27,7% trong năm ngoái.

Thị trưởng trọng điểm của Việt Nam phải kể đến Bangladesh và Philippines với nhu cầu ngày càng tăng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một khách hàng tiềm năng, kể từ khi chính phủ nước này siết chặt các hoạt động công nghiêp gây ô nhiễm như đóng cửa hàng loạt nhà máy xi măng tháng 11/2017.

Tuy nhiên, về sản phẩm xuất khẩu, so với năm 2016, sản lượng xuất khẩu xi măng năm qua giảm đến 21,4% trong khi clinker tăng trưởng 53,8%. Điều này khiến clinker trở thành động lực chính cho hoạt động xuất khẩu.

“Điều này có thể được giải thích bởi thực tế là nước ngoài có xu hướng ưu tiên nhập khẩu clinker hơn xi măng vì lý do chi phí và xu hướng này sẽ tiếp tục định hình xuất khẩu xi măng Việt Nam trong dài hạn”, chuyên gia phân tích Khiếu Duy Hải của StoxPlus nhận định.

Hiện Việt Nam đang có 107 nhà máy xi măng, với tổng công suất 120,9 triệu tấn mỗi năm, thuộc sở hữu của 93 công ty. Trong năm 2017, các công ty tư nhân tiếp tục thực hiện 5 dự án lớn mới với tổng công suất 18,5 triệu tấn mỗi năm, dẫn đến tổng công suất của ngành tăng 18%.

Không chỉ có Vissai hay ThaiGroup, các công ty nội địa khác như Thành Thắng và Long Sơn cũng có xu hướng “chơi lớn”. Thị trường M&A ngành này năm qua cũng khá nhộn nhịp, với các thương vụ thâu tóm LafargeHolcim và VCM của SCCC và SCG.

Cuối năm ngoái, Nghị định 125 của chính phủ được ban hành, với thuế xuất khẩu 0% đối với xi măng đã làm tăng sức cạnh tranh của mặt hàng này so với các đối thủ ở Đông Nam Á. Ước tính, các công ty xuất khẩu có thể hưởng lợi thêm 3-4 USD mỗi tấn nhờ mức thuế mới.

Các quy định mới lập tức có hiệu lực và tác động tích cực đến thị trường xi măng trong 4 tháng đầu năm nay. Số liệu StoxPlus cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ đã đạt 29,83 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính vẫn đến từ xuất khẩu, khi sản lượng bán ra nước ngoài tăng đến 29%.

Dựa vào các phân tích về kinh tế vĩ mô, tình hình phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị, StoxPlus dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng khoảng 5% đến năm 2030. Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu trước khi đạt đến điểm cân bằng với 130,8 triệu tấn vào năm 2027.

“Mặc dù ngành xi măng Việt Nam vẫn song hành cùng sự phình to và vỡ ‘bong bóng’ bất động sản nhưng nó vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới”, báo cáo bình luận.

Viễn Thông

Tiềm năng của thị trường vật liệu xây dựng không nung

Vật liệu xây dựng không nung có nhiều ưu điểm, thân thiện với môi trường song chưa được phát triển đúng tiềm năng.

Gạch không nung ra đời đã khắc phục được các nhược điểm của gạch đất nung truyền thống như không cần sử dụng đất nông nghiệp, không trải qua công đoạn đốt lò nên sẽ tiết kiệm được nguồn nhiên liệu, gián tiếp hạn chế nạn chặt phá rừng… và giảm đáng kể lượng CO2 thải ra môi trường.

Sản phẩm tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép với nhiều ưu điểm.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng không nung cũng tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu sẵn như cát, mạt đá… và chất thải trong sản xuất công nghiệp như tro, xỉ, thạch cao của cá nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất thép và các cở sở công nghiệp. Các sản phẩm này có cường độ chịu lực, khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm tốt. Với diện tích lớn gấp từ 2 đến 11 lần thể tích của gạch nung truyền thống, gạch không nung sẽ rút ngắn thời gian xây dựng, giảm đáng kể chi phí.

Với những tính năng ưu việt, từ năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan triển khai dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” dần thay thế dần gạch đất sét nung truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày một cao của ngành xây dựng, song loại vật liệu này chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Chương trình phát triển gạch không nung đến năm 2020 của Bộ xây dựng với mục tiêu: thị phần sản xuất gạch không nung sẽ tăng lên 30-40%. Nhưng đến nay, thị phần này đã không như mong muốn đề ra.

Theo ông Trần Anh Tài, Chủ tịch Tập đoàn PH – đơn vị có uy tín trong việc sản xuất gạch không nung, có nhiều nguyên nhân khiến sản phẩm này chưa phát triển đúng tiềm năng dù có nhiều cơ chế hỗ trợ.

Nguyên nhân đầu tiên là thói quen sử dụng của người Việt. Họ đã quá quen với gạch, ngói nung truyền thống mà chưa biết đến các sản phẩm tiên tiến. Điều này còn tác động đến các đơn vị xây dựng nhà ở. Các chủ đầu tư bất động sản hiểu được tính năng của vật liệu xây dựng không nung và muốn sử dụng trong dự án của mình nhưng người mua nhà lại không biết điều đó.

Bên cạnh đó, vật liệu không nung còn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp lớn do còn bị hạn chế bởi chính sách thuế, phí. Mặt khác, đội ngũ nhân lực trình độ cao phục vụ cho nghiên cứu phát triển, sản xuất thiết bị chế tạo vật liệu này còn thiếu và yếu, các mẫu máy sản xuất, chế tạo thường do các doanh nghiệp tự nghiên cứu, phát triển theo kinh nghiệm hoặc chép mẫu của nước ngoài bởi hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất công suất lớn, có tính tự động hóa cao được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nhật Bản… với giá thành không hề rẻ.

“Một số sản phẩm không nung thời kỳ đầu cũng có những nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, loại vật liệu này cũng chưa được truyền thông đúng mức nên chưa tác động vào tiềm thức của người tiêu dùng Việt”, ông Tài cho biết.

Thi công tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép nhanh hơn cách xây tường truyền thống

Ông Trần Anh Tài cho biết, các nước phát triển đều đã nói không với gạch nung và sử dụng các vật liệu thân thiện, vật liệu nhẹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sản phẩm này vẫn chưa được chú trọng và phát triển đúng tiềm năng.

Mới đây, P.H đã nghiên cứu và sản xuất thành công tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép với nhiều ưu điểm để thay thế việc sử dụng gạch viên truyền thống và đã được áp dụng trong thi công xây dựng công trình của tập đoàn. Sản phẩm này sau khi đưa vào thử nghiệm đã được Viện Khoa học công nghệ xây dựng – Bộ xây dựng cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn – đủ tiêu chuẩn đưa vào thi công ứng dụng tại các công trình xây dựng.

Dự án P.H Complex Nha Trang với tốc độ thi công nhanh chóng nhờ sử dụng sản phẩm tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép.

“Người mua nhà chính là người được hưởng lợi nhất do khi ứng dụng vật liệu nhẹ như tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn sẽ rút ngắn thời gian thi công, với khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu ẩm của tấm tường tốt hơn phương pháp truyền thống do đó dự án sẽ đảm bảo được chất lượng khi đưa vào sử dụng”, ông Tài cho biết thêm.

Đánh giá về tiềm năng của vật liệu không nung và tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn, ông Tài cho rằng, không chỉ giải quyết nhu cầu xây dựng của các công trình cao tầng ở các thành phố, sản phẩm này đang còn nguyên một thị trường lớn là nông thôn mà vẫn bị bỏ ngỏ.

“Chẳng có lý do gì một sản phảm tốt lại không được thị trường đón nhận và tôi sẽ quyết tâm phát triển vật liệu không nung đến cùng. Chúng tôi đang ứng dụng vật liệu không nung tại các dự án của tập đoàn như P.H Hưng Yên, dự án nhà ở xã hội Nha Trang, P.H Complex Nha Trang và nhiều công trình trọng điểm khác trên cả nước”, ông Trần Anh Tài nói.

Huệ Chi