Quảng Trị khởi sắc về dải đô thị ven biển

Chỉ trong thời gian ngắn, những vùng cát trắng khô cằn, nắng và gió giờ đã nhường chỗ cho những khu dân cư, đô thị ven biển. Những cây cầu vượt cửa biển, tuyến đường nối những huyện, thị trấn ngày được đầu tư, mở rộng, hứa hẹn về một đô thị ven biển đầy tiềm năng phát triển.

10 năm về trước, Quảng Trị đã đưa vào sử dụng 2 cây cầu quan trọng nằm trên tuyến giao thông ven biển, là cầu Cửa Tùng bắc qua cửa biển nối huyện Vĩnh Linh với Gio Linh và cây cầu Cửa nối liền huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong. Từ đây, thiết lập một hệ thống giao thông gần như đi qua tất cả địa phương vùng ven biển của tỉnh (huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng).Giao thông liền mạch, giao thương thuận lợi đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các thị trấn ven biển: Cửa Tùng và Cửa Việt. Đặc biệt, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) – là điểm khởi đầu của Quốc lộ 9 xuyên Á và Quốc lộ 9D nối tuyến đường ven biển qua Cửa Tùng ra Quốc lộ 1A và đi lên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông.

Cây cầu Cửa Việt tạo điều kiện thông thương giữa các huyện vùng ven biển và kết nối với các tuyến đường giao thông huyết mạch.

Với đặc điểm địa lý, tự nhiên thuận lợi, Cửa Việt đã và đang vươn lên thành một đô thị trung tâm của vùng biển Quảng Trị. Cách đó không xa, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cũng đang dần “thay da, đổi thịt”. Hạ tầng giao thông thuận lợi đã làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế của địa phương, cùng với phát triển kinh tế biển, dịch vụ, nông nghiệp và thương mại – du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể.Từ những dải đất cát hoang sơ, khô cằn đã mọc lên nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, khu dân cư ven biển. Bên cạnh đó, hệ thống cảng cá, cảng vận tải cùng các hạng mục, cơ sở hạ tầng khác được đầu tư xây dựng tạo nên hình thái của những thị trấn năng động, trẻ trung. Đặc biệt, ở những xã ven biển hoang vu lâu nay đã dần sinh động hơn khi đã hình thành nên khu dân cư, hàng quán phục vụ nhu cầu du lịch, ăn uống của người dân và du khách.

Giao thông thuận lợi đã góp phần định hình các khu dân cư, thương mại, dịch vụ dọc theo tuyến đường ven biển của tỉnh Quảng Trị.

Xuôi vào hướng Nam, thời gian này, hai xã Hải An và Hải Dương (huyện Hải Lăng) cũng đang dần hình thành một đô thị ven biển đầy hứa hẹn. Với những dự án lớn tầm vóc quốc gia, khu vực là cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm điện khí, Hải An và Hải Dương được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam tỉnh Quảng Trị.Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng phân tích: Mô hình đô thị ven biển Cửa Việt và Cửa Tùng được xem là thành công của tỉnh Quảng Trị trong chiến lược phát triển đô thị ven biển và hướng về biển. Với hai đô thị ven biển này, Quảng Trị đã góp phần phát triển kinh tế biển và đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia vùng ven biển và hải đảo như Nghị quyết TW9, khóa X “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đề ra. Tỉnh Quảng Trị đang từng bước quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển, xây dựng hệ thống đô thị ven biển trên cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng hoàn thiện.

Cùng với sự phát triển của dải đô thị ven biển, kinh tế biển của tỉnh Quảng Trị ngày càng có nhiều khởi sắc.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vũng kinh tế biển, Quảng Trị đã định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển Quảng Trị giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm.Theo đó, khu vực phía bắc vùng ven biển huyện Vĩnh Linh và bắc Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng. Đây là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa.Khu vực trung tâm thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong với hạt nhân là đô thị Cửa Việt. Đây là khu vực phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.Khu vực phía nam huyện Hải Lăng, hạt nhân là hai xã Hải An và Hải Dương thuộc đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị. Trong đó, phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành và logistics. Ngoài ra còn có khu vực phía đông hình thành bởi tam giác du lịch biển đảo trọng điểm nghỉ dưỡng đó là Cửa Tùng – Cửa Việt – đảo Cồn Cỏ.Với vai trò của đô thị Cửa Việt là trung tâm của hành lang kinh tế ven biển, Quảng Trị đã có định hướng thành lập thị xã Cửa Việt trong tương lai trên cơ sở sáp nhập thêm xã Gio Hải và thị trấn Bồ Bản với quy mô, diện tích hơn 40.000 km2 và dân số khoảng 20.000 người. Lúc đó, đô thị Cửa Việt sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm của hành lang kinh tế ven biển tỉnh Quảng Trị.

Tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây hiện tại đang được đầu tư mở ra những cơ hội lớn cho tỉnh Quảng Trị.

Trên cơ sở quy hoạch không gian ven biển, đồng thời nhằm kết nối toàn bộ các khu vực đô thị ven biển, mới đây Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây (giai đoạn 1). Tổng nguồn vốn đầu là trên 2.000 tỷ đồng với chiều dài 55,7km.Từ đó, góp phần hình thành hành lang kinh tế ven biển ngày càng rõ nét nhằm thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa các đô thị Cửa Tùng, đô thị trung tâm Cửa Việt, đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị. Đồng thời, mở ra những cơ hội thông thương, kết nối với trung tâm với TP Ðông Hà, Hành lang kinh tế Quốc lộ 1, Hành lang kinh tế Ðường 9 – xuyên Á đến các trung tâm đô thị và các trung tâm dịch vụ – du lịch duyên hải miền Trung.

Nguồn: Minh Tân / kinhtedothi.vn

 

 

Trục Đông – Tây tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị

Trục Đông – Tây đã và đang tạo động lực chính cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị khi tập trung khai thác được thế mạnh sẵn có và thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn.

Điện gió, thương mại biên giới phía Tây

Ở vùng miền núi biên giới phía Tây, tỉnh Quảng Trị có thế mạnh về thu hút đầu tư làm điện gió và thương mại biên giới khi có 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Điện gió đang tạo đột phá cho kinh tế của tỉnh Quảng Trị.

Đến tháng 7/2021, tỉnh đã có 84 dự án điện gió với tổng công suất trên 4.000MW; trong đó có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch.

Dự kiến, trước ngày 1/11/2021, tỉnh có thêm 25 dự án điện gió đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án điện gió phát điện thương mại lên 27.
Vướng mắc nhất là giải tỏa công suất cho các nhà máy điện gió ở vùng miền núi phía Tây đã được tháo gỡ. Cụ thể là cuối tháng 6/2021, Máy biến áp AT2 (220kV-250MVA) đã được đóng điện.

Công trình này thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo. Đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo dự kiến hoàn thành tháng 8/2021, qua đó giúp các nhà máy điện gió truyền tải giải tỏa công suất phát điện thương mại.

Ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị, thương mại biên giới đang phát triển nhanh chóng khi có Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay.

Cuối năm 2020, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2021-2025. Khu kinh tế này được thành lập từ năm 1998 có tổng diện tích hơn 15.800ha, bao gồm 5 xã và 2 thị trấn dọc Quốc lộ 9 thuộc huyện miền núi Hướng Hóa.

Đến nay, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được đầu tư trên 880 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng; qua đó đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư gần 60 dự án với số vốn khoảng 3.700 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách là điều kiện rất thuận lợi để khu kinh tế này phát triển. Tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư vào khu kinh tế này sao cho hiệu quả.

Tại hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước: Lào, Thái Lan… luôn diễn ra sôi động. Năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu qua 2 cửa khẩu quốc tế này đạt gần 380 triệu USD, thông quan gần 152.000 lượt phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, tương ứng với gần 1,3 triệu tấn hàng hóa. Riêng tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo còn có hơn 17.000 lô hàng với trọng lượng 1,5 triệu tấn đã quá cảnh.

Đầu tư năng lượng, cảng biển, sân bay ở phía Đông

Ở vùng ven biển phía Đông, tỉnh Quảng Trị xây dựng trung tâm năng lượng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gồm điện khí và nhiệt điện, cùng cảng biển và sân bay.

Tại khu kinh tế này đang triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện 1 Quảng Trị với công suất 1.320 MW, có tổng vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đã và đang triển khai đầu tư.

Trong số đó, Nhà máy điện khí công suất 340MW do Tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch và chỉ định nhà đầu tư. Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 với công suất 1.500 MW cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Dự án điện khí còn lại có công suất 4.500 MW, tổng mức đầu tư 4,5 tỷ USD đang chuẩn bị thủ tục đầu tư. Nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện khí này dự kiến khai thác từ mỏ khí Kèn Bầu ở ngoài khơi vùng biển Quảng Trị.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, mỏ khí Kèn Bầu có trữ lượng lớn, khi khai thác sẽ cung cấp cho các nhà máy điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, qua đó góp phần rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung với tổng công suất điện đạt được ít nhất là 10.000 MW vào năm 2030; trong đó tỉnh ưu tiên phát triển năng lượng sạch gồm: Điện gió, điện khí và mặt trời.

Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và cảng biển Cửa Việt đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng phục vụ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp và hàng hóa từ Lào, Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Cảng biển Mỹ Thủy được xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Giai đoạn 1 của dự án thực hiện từ năm 2020-2025; giai đoạn 2 và 3 lần lượt dự kiến hoàn thành trong các năm 2026-2031 và 2032-2036.

Cảng biển CFG Nam Cửa Việt được đầu tư xây dựng với quy mô trên 18ha, nằm đối diện với Cảng biển Cửa Việt hiện tại, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn. Dự án này có 4 cầu cảng, tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án từ năm 2020-2021, năng lực thông qua cảng từ 0,2-0,5 triệu tấn hàng/năm; giai đoạn 2 từ năm 2022-2030 với năng lực thông qua cảng khoảng 1-1,4 triệu tấn hàng/năm.

Tỉnh Quảng Trị cũng đang ưu tiên và sớm triển đầu tư xây dựng sân bay. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh ưu tiên đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị tại xã Gio Quang và một phần thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án quan trọng này có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Tỉnh phấn đấu khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị trong năm 2021.

Hoàn thiện giao thông kết nối Đông – Tây

Hiện nay Quốc lộ 9 tức Hành lang kinh tế Đông-Tây là con đường độc đạo kết nối hai vùng miền Đông-Tây của Quảng Trị. Tuyến đường này dài 97km nối Cảng biển Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh với thành phố Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Tuy nhiên, Quốc lộ 9 đã bị quá tải và xuống cấp. Trong giai đoạn 2021-2023, Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng biển Cửa Việt đến Quốc lộ 1A dài khoảng 14 km sẽ được nâng cấp quy mô đường cấp II, 4 làn xe với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 440 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay giai đoạn 2021-2025. Tuyến đường này dài khoảng 92 km, vốn đầu tư dự kiến gần 3.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành tuyến đường này vừa giảm tải cho Quốc lộ 9, vừa tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa trên trục Đông – Tây.

Tháng 6/2021, tỉnh Quảng Trị cũng đã trình Thủ tướng xem xét bổ sung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo dài 70 km theo hình đối tác công tư (PPP), với số vốn 7.700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đề xuất, tuyến cao tốc chạy theo hướng Đông-Tây, nối huyện Cam Lộ với Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 17 m. Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này nhằm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng, nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Một dự án có tính cấp bách khác là đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, dài 23 km cũng đang được gấp rút triển khai với vốn đầu tư 365 tỷ đồng. Việc đầu tư tuyến đường này nhằm phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối với vùng miền Tây Bắc của tỉnh Quảng Trị.

Ngày 9/7 vừa qua, sau khi thị sát tuyến đường này, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang cho rằng, đây là tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch từ Đông sang Tây phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, công tác cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra và phá thế độc đạo của tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các xã phía Tây Bắc của tỉnh.

Ở vùng ven biển phía Đông, giai đoạn 2021-2025 tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình. Dự án này có tổng chiều dài khoảng gần 56 km gồm 2 đoạn: Đoạn 1 từ Nam cầu Cửa Việt đến ranh giới tỉnh Quảng Bình dài khoảng 44 km; đoạn 2 từ đường ven biển đến trung tâm thành phố Đông Hà dài gần 12 km.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.970 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến đường theo hướng Đông – Tây.
Hệ thống cảng biển và giao thông khi hoàn thiện sẽ đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030./.

Nguồn: Nguyên Lý / TTXVN

Những con đường trọng điểm phía đông

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng và ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn T&T Group khảo sát thực địa dự án Cảng hàng không Quảng Trị.

Bao nhiêu năng lượng bấy lâu như được tích tụ để giờ đây như bắt đầu bung ra tạo cho miền đông huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vận hội mới vươn mình. Lợi thế về giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho vùng này được mở ra từ những con đường: Đường biển với cảng Cửa Việt; đường bộ với các dự án trục giao thông ven biển và nâng cấp quốc lộ 9 – đường Xuyên Á; đường tránh phía đông; đường trên không có Dự án Cảng hàng không Quảng Trị sắp khởi công.

Được chọn nơi xây dựng sân bay

Nhớ lại, vào cuối thế kỷ 11, khi lãnh thổ Đại Việt được mở rộng đến cửa Việt Yên, hiểu được tầm quan trọng của vùng cửa biển này, lập tức nhà Lý đổi tên cửa Việt Yên thành Cửa Việt để khẳng định được chủ quyền của đất nước. Kể từ đó, nhà Lý đã phát huy lợi thế của Cửa Việt phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mình. Ghi nhớ sâu sắc tầm viễn kiến của cha ông, tỉnh Quảng Trị đã tạo dựng cho vùng đất phía đông này nhiều điều kiện rất thuận lợi, bắt đầu bằng những dự án, công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.

Được nhiều nhà đầu tư và người dân quan tâm nhất trong thời gian này là Dự án Cảng hàng không Quảng Trị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị đã thống nhất giao cho Công ty CP Tập đoàn T&T lập báo cáo tiền khả thi và khả thi Dự án Cảng hàng không Quảng Trị.

Ngày 17-5, Công ty CP Tập đoàn T&T đã nộp báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không Quảng Trị cho cơ quan chức năng để tỉnh Quảng Trị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án bằng 100% nguồn vốn của nhà đầu tư. Đây là cơ sở để nhà đầu tư tiếp tục lập dự án khả thi nộp cho tỉnh Quảng Trị, tỉnh sẽ trình dự án đến Hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương xem xét để tỉnh phê duyệt dự án.

Trong thời gian này, tỉnh Quảng Trị cũng khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật nhằm triển khai thi công Dự án Cảng hàng không Quảng Trị trong thời gian sớm nhất của năm 2021, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2023.

Quốc lộ 9 chuẩn bị được nâng cấp, mở rộng đoạn từ Ngã Tư Sòng về Cửa Việt.

Theo đó, Cảng hàng không Quảng Trị được xây dựng tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, là cảng hàng không nội địa, sử dụng chung dân sự và quân sự; có tổng diện tích hơn 316 ha, trong đó diện tích khu hàng không dân dụng hơn 87 ha, diện tích đất quân sự hơn 51 ha, diện tích dùng chung hơn 177 ha. Cấp sân bay thuộc loại 4C theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp II, có công suất 1 triệu hành khách/năm và hơn 3.000 tấn hàng hóa/năm.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã giao UBND tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, lập quy hoạch sử dụng đất phục vụ nhu cầu phát triển mở rộng Cảng hàng không Quảng Trị trong tương lai lên đến 1.000 ha, chuẩn bị mọi điều kiện, phát huy lợi thế là cảng hàng không nằm ở điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây nhằm thu hút lượng hàng hóa và hành khách trên trục kinh tế năng động này.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, để phát huy lợi thế, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng ven biển của tỉnh cũng như huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đang triển khai thực hiện nhiều dự án trọng điểm tại huyện này. Phục vụ cho Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh đang triển khai Dự án trục giao thông rộng 48 m, dài 10km, nối từ cổng chính của sân bay đi từ xã Gio Quang đến xã Gio Mai, Gio Hải và điểm cuối gặp Khu Dịch vụ – Du lịch Gio Hải ở bờ biển Gio Hải.

Những con đường năng động

Người dân huyện Gio Linh vui mừng khi biết Dự án đường giao thông ven biển từ xã Vĩnh Thái (giáp tỉnh Quảng Bình) qua huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đến gặp điểm cuối về phía Bắc của đường trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị ở Cửa Việt, rồi đến thành phố Đông Hà nối vào trục giao thông Hành lang kinh tế Đông Tây – quốc lộ 9 sắp được triển khai. Chiều dài con đường này đến 56 km, được xây dựng bằng vốn ngân sách, giai đoạn 2021-2025. Dự án trọng điểm này là cơ sở để hình thành các khu đô thị ven biển như quy hoạch phát triển của tỉnh Quảng Trị.

Trên địa bàn phía Đông huyện Gio Linh còn có một dự án nữa đó là nâng cấp quốc lộ 9 đoạn từ Ngã Tư Sòng về Cửa Việt dài hơn 13 km, rộng đến 28 m, ở giữa có dải phân cách rộng 3m. Đặc biệt dự án được nhiều người quan tâm là đường tránh phía đông từ Gio Linh đến thành phố Đông Hà rộng 12 m, dài hơn 17 km, dự kiến triển được khai thực hiện trong năm 2021, hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2023.

Gần đây, khi kiểm tra các công trình hạ tầng ở phía đông huyện Gio Linh, đồng chí Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Quảng Trị, cho biết, đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp, kéo dài đê chắn sóng, chắn cát để bảo đảm ổn định luồng ra, vào Cảng Cửa Việt cho tàu có trọng tải 5.000 tấn; cũng như thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai đầu tư các bến phía nam cảng theo quy hoạch và tiếp tục nâng cấp hai bến cảng Cửa Việt; kéo dài bến số ba của Cảng Hợp Thịnh; cũng như triển khai thi công Dự án Cảng du lịch Cửa Việt phục vụ phát triển kinh tế, xã hội…

Một đoạn đường giao thông đi qua Khu Dịch vụ – Du lịch ven biển Gio Hải.

Làm thế nào để huyện Gio Linh anh hùng luôn được phát triển mạnh mẽ hơn là mối quan tâm đặc biệt của nhiều thế hệ lãnh đạo cũng như người dân sống trên mảnh đất này. Vùng phía đông huyện Gio Linh từng có quá khứ phát triển kinh tế, xã hội lẫy lừng ở xứ đàng trong. Bắt đầu với Cửa Việt, luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng và hấp dẫn trong con mắt của các nhà đầu tư từ xưa đến nay. Thế kỷ 16-17, tàu thuyền trong ngoài nước, nhất là của các nước phương tây thường xuyên ra vào buôn bán tấp nập ở Cửa Việt, rồi lên thương cảng ở Mái Xá (ở xã Gio Mai bây giờ) tạo nên một khu trao đổi, giao lưu sầm uất cho người Việt.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, luôn có những cơ chế, chính sách phù hợp, quyết tâm sớm triển khai thực hiện các dự án trên; đốc thúc các tập đoàn, nhà đầu tư đồng hành với tỉnh xây dựng những công trình tạo động lực phát triển không chỉ riêng cho Gio Linh, còn cho toàn tỉnh Quảng Trị; cũng như cam kết thực hiện một cách nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đề ra của dự án.

Hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước, đặt nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng là những lợi thế rất quan trọng, huyện Gio Linh cần chủ động nắm bắt cơ hội này để có những phát triển xứng đáng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nguồn: LÂM QUANG HUY

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan: Xây dựng cảng biển Mỹ Thủy trở thành dự án kiểu mẫu. Đã đến lúc nâng cấp QL9, giá trị cảng biển Mỹ Thủy là để kết nối với Lào, Bắc Thái Lan, Đông Bắc Myanma, đầu tư cảng biển kết hợp giao thông để đồng bộ kết nối tốt nhất với bên ngoài

(QTO) – Đó là mong muốn của Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh-Wan khi đoàn công tác của Đại sứ quán và doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhằm trao đổi, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc vào chiều nay 30/3/2021.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác Đại sứ quán và doanh nghiệp Hàn Quốc- Ảnh: L.T​

Tại buổi làm việc, Đại sứ Park Noh-Wan mong muốn tiếp tục có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn nữa giữa hai nước Hàn Quốc – Việt Nam nói chung và với tỉnh Quảng Trị nói riêng. Đây là lần thứ 4 trở lại tỉnh Quảng Trị, Đại sứ Park Noh-Wan cảm thấy vui mừng vì sự phát triển của tỉnh trong những năm qua. Đồng thời hy vọng thông qua các dự án lớn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Quảng Trị, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

 

Năm 2022 là thời điểm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc nên với cương vị công tác của mình, Đại sứ sẽ cố gắng tìm kiếm, kết nối các cơ hội hợp tác đầu tư để các dự án có thể triển khai đúng vào dịp này. Đối với tỉnh Quảng Trị, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam trao đổi 3 dự án trọng tâm là: Nhà máy điện khí Hải Lăng, Khu bến cảng Mỹ Thủy do các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và dự án Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị do KOICA tài trợ. Đại sứ mong muốn 3 dự án trên sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới, trở thành kết quả tiêu biểu nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Bên cạnh đó, theo ông Park Noh- Wan, trong mối quan hệ hợp tác của hai nước, ngôn ngữ rất quan trọng, nếu tỉnh muốn có trung tâm đào tạo tiếng Hàn Quốc tại Quảng Trị thì có thể đề xuất để Đại sứ quán hỗ trợ. Riêng dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, đây là dự án về cảng biển đầu tiên doanh nghiệp Hàn Quốc được tham gia đầu tư tại Việt Nam nên Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn xây dựng Cảng biển Mỹ Thủy tại Quảng Trị trở thành dự án kiểu mẫu để doanh nghiệp Hàn Quốc có thể nhân rộng sự hợp tác, xây dựng các dự án cảng biển tại Việt Nam. Mọi công tác đã chuẩn bị xong, sau chuyến công tác này Đại sứ quán sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy triển khai sớm dự án này.

Mô hình cảng biển Mỹ Thủy

 

  • Đại diện nhà đầu tư dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy cho biết, thời gian qua tình hình COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn của các đối tác để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, vì vậy dự án đã bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay vấn đề huy động vốn đã được giải quyết. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực giải quyết một số tồn đọng về thiết kế, báo cáo tác động môi trường và các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án vào khoảng từ tháng 5-6/2021

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, năm 2021 là năm đặc biệt quan trọng với tỉnh bởi đánh dấu mối quan hệ hợp tác 20 năm (2001 -2021) của tỉnh với Chính phủ Hàn Quốc. Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng và đánh giá cao sự quan tâm, mối quan hệ hợp tác giữa Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như Chính phủ Hàn Quốc đối với tỉnh Quảng Trị. Trong những năm qua, tỉnh đã được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thông qua nhiều dự án ODA, trong đó đặc biệt hiệu quả là Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị do tổ chức KOICA hỗ trợ. Qua trao đổi, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cũng giới thiệu khái quát tình hình lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, chính sách thu hút đầu tư và chiến lược phát triển trong giai đoạn tới của tỉnh Quảng Trị với Đại sứ Park Noh – Wan và doanh nghiệp Hàn Quốc. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quảng Trị xác định Hàn Quốc là một trong những đối tác chiến lược và hàng đầu trong hợp tác phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Vì vậy, tỉnh mong muốn được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm hỗ trợ tỉnh trên các lĩnh vực như xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai…

 

Đồng thời, sớm triển khai xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị do KOICA tài trợ, xem đây là công trình đánh dấu 20 năm quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Chính phủ Hàn Quốc đối với tỉnh. Về vấn đề đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Trị mong muốn được Đại sứ quan tâm, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của tỉnh đối với doanh nghiệp Hàn Quốc để mở rộng mối quan hệ hợp tác. Trước tiên là dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy, mong muốn nhà đầu tư Hàn Quốc đã được Chính phủ Việt Nam cấp phép sớm triển khai thực hiện dự án theo tiến độ.

 

Quảng Trị đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc

 

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện nhà đầu tư dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy cho biết, thời gian qua tình hình COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động vốn của các đối tác để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, vì vậy dự án đã bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay vấn đề huy động vốn đã được giải quyết. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực giải quyết một số tồn đọng về thiết kế, báo cáo tác động môi trường và các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án vào khoảng từ tháng 5-6/2021. Ngoài đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng mong muốn tỉnh tạo điều kiện để tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án về hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ và hợp tác của Đại sứ Park Noh- Wan và các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với tỉnh Quảng Trị. Sự có mặt của Đại sứ và doanh nghiệp Hàn Quốc trong buổi làm việc tại địa phương cho thấy sự quyết tâm rất cao của Chính phủ Hàn Quốc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại Quảng Trị. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Đại sứ quan tâm thúc đẩy để triển khai thực hiện dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy thành công. Đồng thời nhấn mạnh, đây là dự án rất quan trọng, quyết định sự thành công của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bởi các dự án hạ nguồn ở bờ như cảng biển là điều kiện quan trọng để có thể tiếp khí từ các mỏ khí ngoài khơi vào bờ Quảng Trị; là cơ hội để tỉnh Quảng Trị bứt phá vươn lên trong những năm tới. Tỉnh rất chia sẻ với những khó khăn của nhà đầu tư, tuy nhiên theo Bí thư Tỉnh ủy, hiện các đối tác khác của Hàn Quốc đang tìm kiếm đầu tư tại Quảng Trị cũng mong muốn có cơ hội để hợp tác đầu tư trong dự án Cảng biển Mỹ Thủy. Vì vậy, nhà đầu tư có thể liên doanh để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án. Tỉnh Quảng Trị sẽ luôn đồng hành với nhà đầu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

 

Sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đoàn công tác Đại sứ quán và doanh nghiệp Hàn Quốc đi thực tế ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

 

Nguồn: Lâm Thanh