Quảng Trị khởi sắc về dải đô thị ven biển

Chỉ trong thời gian ngắn, những vùng cát trắng khô cằn, nắng và gió giờ đã nhường chỗ cho những khu dân cư, đô thị ven biển. Những cây cầu vượt cửa biển, tuyến đường nối những huyện, thị trấn ngày được đầu tư, mở rộng, hứa hẹn về một đô thị ven biển đầy tiềm năng phát triển.

10 năm về trước, Quảng Trị đã đưa vào sử dụng 2 cây cầu quan trọng nằm trên tuyến giao thông ven biển, là cầu Cửa Tùng bắc qua cửa biển nối huyện Vĩnh Linh với Gio Linh và cây cầu Cửa nối liền huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong. Từ đây, thiết lập một hệ thống giao thông gần như đi qua tất cả địa phương vùng ven biển của tỉnh (huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng).Giao thông liền mạch, giao thương thuận lợi đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các thị trấn ven biển: Cửa Tùng và Cửa Việt. Đặc biệt, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) – là điểm khởi đầu của Quốc lộ 9 xuyên Á và Quốc lộ 9D nối tuyến đường ven biển qua Cửa Tùng ra Quốc lộ 1A và đi lên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông.

Cây cầu Cửa Việt tạo điều kiện thông thương giữa các huyện vùng ven biển và kết nối với các tuyến đường giao thông huyết mạch.

Với đặc điểm địa lý, tự nhiên thuận lợi, Cửa Việt đã và đang vươn lên thành một đô thị trung tâm của vùng biển Quảng Trị. Cách đó không xa, thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) cũng đang dần “thay da, đổi thịt”. Hạ tầng giao thông thuận lợi đã làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế của địa phương, cùng với phát triển kinh tế biển, dịch vụ, nông nghiệp và thương mại – du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể.Từ những dải đất cát hoang sơ, khô cằn đã mọc lên nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, khu dân cư ven biển. Bên cạnh đó, hệ thống cảng cá, cảng vận tải cùng các hạng mục, cơ sở hạ tầng khác được đầu tư xây dựng tạo nên hình thái của những thị trấn năng động, trẻ trung. Đặc biệt, ở những xã ven biển hoang vu lâu nay đã dần sinh động hơn khi đã hình thành nên khu dân cư, hàng quán phục vụ nhu cầu du lịch, ăn uống của người dân và du khách.

Giao thông thuận lợi đã góp phần định hình các khu dân cư, thương mại, dịch vụ dọc theo tuyến đường ven biển của tỉnh Quảng Trị.

Xuôi vào hướng Nam, thời gian này, hai xã Hải An và Hải Dương (huyện Hải Lăng) cũng đang dần hình thành một đô thị ven biển đầy hứa hẹn. Với những dự án lớn tầm vóc quốc gia, khu vực là cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm điện khí, Hải An và Hải Dương được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam tỉnh Quảng Trị.Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng phân tích: Mô hình đô thị ven biển Cửa Việt và Cửa Tùng được xem là thành công của tỉnh Quảng Trị trong chiến lược phát triển đô thị ven biển và hướng về biển. Với hai đô thị ven biển này, Quảng Trị đã góp phần phát triển kinh tế biển và đảm bảo chủ quyền, an ninh quốc gia vùng ven biển và hải đảo như Nghị quyết TW9, khóa X “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đề ra. Tỉnh Quảng Trị đang từng bước quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, giàu lên từ biển, xây dựng hệ thống đô thị ven biển trên cơ sở hạ tầng giao thông không ngừng hoàn thiện.

Cùng với sự phát triển của dải đô thị ven biển, kinh tế biển của tỉnh Quảng Trị ngày càng có nhiều khởi sắc.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vũng kinh tế biển, Quảng Trị đã định hướng quy hoạch xây dựng khu vực ven biển Quảng Trị giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, lấy thị trấn Cửa Việt làm trung tâm.Theo đó, khu vực phía bắc vùng ven biển huyện Vĩnh Linh và bắc Gio Linh, hạt nhân là đô thị Cửa Tùng. Đây là khu vực phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, di tích lịch sử, văn hóa.Khu vực trung tâm thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong với hạt nhân là đô thị Cửa Việt. Đây là khu vực phát triển hỗn hợp tất cả các chức năng thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và cảng biển, khu dịch vụ hậu cần nghề cá.Khu vực phía nam huyện Hải Lăng, hạt nhân là hai xã Hải An và Hải Dương thuộc đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị. Trong đó, phát triển thương mại, dịch vụ, dịch vụ cảng, công nghiệp đa ngành và logistics. Ngoài ra còn có khu vực phía đông hình thành bởi tam giác du lịch biển đảo trọng điểm nghỉ dưỡng đó là Cửa Tùng – Cửa Việt – đảo Cồn Cỏ.Với vai trò của đô thị Cửa Việt là trung tâm của hành lang kinh tế ven biển, Quảng Trị đã có định hướng thành lập thị xã Cửa Việt trong tương lai trên cơ sở sáp nhập thêm xã Gio Hải và thị trấn Bồ Bản với quy mô, diện tích hơn 40.000 km2 và dân số khoảng 20.000 người. Lúc đó, đô thị Cửa Việt sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò trung tâm của hành lang kinh tế ven biển tỉnh Quảng Trị.

Tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây hiện tại đang được đầu tư mở ra những cơ hội lớn cho tỉnh Quảng Trị.

Trên cơ sở quy hoạch không gian ven biển, đồng thời nhằm kết nối toàn bộ các khu vực đô thị ven biển, mới đây Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông – Tây (giai đoạn 1). Tổng nguồn vốn đầu là trên 2.000 tỷ đồng với chiều dài 55,7km.Từ đó, góp phần hình thành hành lang kinh tế ven biển ngày càng rõ nét nhằm thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa các đô thị Cửa Tùng, đô thị trung tâm Cửa Việt, đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông nam Quảng Trị. Đồng thời, mở ra những cơ hội thông thương, kết nối với trung tâm với TP Ðông Hà, Hành lang kinh tế Quốc lộ 1, Hành lang kinh tế Ðường 9 – xuyên Á đến các trung tâm đô thị và các trung tâm dịch vụ – du lịch duyên hải miền Trung.

Nguồn: Minh Tân / kinhtedothi.vn

 

 

Trục Đông – Tây tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị

Trục Đông – Tây đã và đang tạo động lực chính cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị khi tập trung khai thác được thế mạnh sẵn có và thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn.

Điện gió, thương mại biên giới phía Tây

Ở vùng miền núi biên giới phía Tây, tỉnh Quảng Trị có thế mạnh về thu hút đầu tư làm điện gió và thương mại biên giới khi có 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay. Điện gió đang tạo đột phá cho kinh tế của tỉnh Quảng Trị.

Đến tháng 7/2021, tỉnh đã có 84 dự án điện gió với tổng công suất trên 4.000MW; trong đó có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ Công thương xem xét bổ sung quy hoạch.

Dự kiến, trước ngày 1/11/2021, tỉnh có thêm 25 dự án điện gió đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án điện gió phát điện thương mại lên 27.
Vướng mắc nhất là giải tỏa công suất cho các nhà máy điện gió ở vùng miền núi phía Tây đã được tháo gỡ. Cụ thể là cuối tháng 6/2021, Máy biến áp AT2 (220kV-250MVA) đã được đóng điện.

Công trình này thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo. Đường dây 220kV Đông Hà – Lao Bảo dự kiến hoàn thành tháng 8/2021, qua đó giúp các nhà máy điện gió truyền tải giải tỏa công suất phát điện thương mại.

Ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị, thương mại biên giới đang phát triển nhanh chóng khi có Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và hai cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay.

Cuối năm 2020, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong tám khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm, để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2021-2025. Khu kinh tế này được thành lập từ năm 1998 có tổng diện tích hơn 15.800ha, bao gồm 5 xã và 2 thị trấn dọc Quốc lộ 9 thuộc huyện miền núi Hướng Hóa.

Đến nay, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã được đầu tư trên 880 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng; qua đó đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư gần 60 dự án với số vốn khoảng 3.700 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn để tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách là điều kiện rất thuận lợi để khu kinh tế này phát triển. Tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư vào khu kinh tế này sao cho hiệu quả.

Tại hai Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước: Lào, Thái Lan… luôn diễn ra sôi động. Năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu qua 2 cửa khẩu quốc tế này đạt gần 380 triệu USD, thông quan gần 152.000 lượt phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, tương ứng với gần 1,3 triệu tấn hàng hóa. Riêng tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo còn có hơn 17.000 lô hàng với trọng lượng 1,5 triệu tấn đã quá cảnh.

Đầu tư năng lượng, cảng biển, sân bay ở phía Đông

Ở vùng ven biển phía Đông, tỉnh Quảng Trị xây dựng trung tâm năng lượng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị gồm điện khí và nhiệt điện, cùng cảng biển và sân bay.

Tại khu kinh tế này đang triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện 1 Quảng Trị với công suất 1.320 MW, có tổng vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đã và đang triển khai đầu tư.

Trong số đó, Nhà máy điện khí công suất 340MW do Tập đoàn Gazprom của Nga đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch và chỉ định nhà đầu tư. Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng 1 với công suất 1.500 MW cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Dự án điện khí còn lại có công suất 4.500 MW, tổng mức đầu tư 4,5 tỷ USD đang chuẩn bị thủ tục đầu tư. Nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện khí này dự kiến khai thác từ mỏ khí Kèn Bầu ở ngoài khơi vùng biển Quảng Trị.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, mỏ khí Kèn Bầu có trữ lượng lớn, khi khai thác sẽ cung cấp cho các nhà máy điện khí ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, qua đó góp phần rất quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung với tổng công suất điện đạt được ít nhất là 10.000 MW vào năm 2030; trong đó tỉnh ưu tiên phát triển năng lượng sạch gồm: Điện gió, điện khí và mặt trời.

Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy và cảng biển Cửa Việt đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng phục vụ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp và hàng hóa từ Lào, Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Cảng biển Mỹ Thủy được xây dựng tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Giai đoạn 1 của dự án thực hiện từ năm 2020-2025; giai đoạn 2 và 3 lần lượt dự kiến hoàn thành trong các năm 2026-2031 và 2032-2036.

Cảng biển CFG Nam Cửa Việt được đầu tư xây dựng với quy mô trên 18ha, nằm đối diện với Cảng biển Cửa Việt hiện tại, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn. Dự án này có 4 cầu cảng, tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án từ năm 2020-2021, năng lực thông qua cảng từ 0,2-0,5 triệu tấn hàng/năm; giai đoạn 2 từ năm 2022-2030 với năng lực thông qua cảng khoảng 1-1,4 triệu tấn hàng/năm.

Tỉnh Quảng Trị cũng đang ưu tiên và sớm triển đầu tư xây dựng sân bay. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh ưu tiên đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị tại xã Gio Quang và một phần thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án quan trọng này có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Tỉnh phấn đấu khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị trong năm 2021.

Hoàn thiện giao thông kết nối Đông – Tây

Hiện nay Quốc lộ 9 tức Hành lang kinh tế Đông-Tây là con đường độc đạo kết nối hai vùng miền Đông-Tây của Quảng Trị. Tuyến đường này dài 97km nối Cảng biển Cửa Việt ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh với thành phố Đông Hà và các huyện: Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Tuy nhiên, Quốc lộ 9 đã bị quá tải và xuống cấp. Trong giai đoạn 2021-2023, Quốc lộ 9 đoạn từ Cảng biển Cửa Việt đến Quốc lộ 1A dài khoảng 14 km sẽ được nâng cấp quy mô đường cấp II, 4 làn xe với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 440 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay giai đoạn 2021-2025. Tuyến đường này dài khoảng 92 km, vốn đầu tư dự kiến gần 3.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành tuyến đường này vừa giảm tải cho Quốc lộ 9, vừa tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa trên trục Đông – Tây.

Tháng 6/2021, tỉnh Quảng Trị cũng đã trình Thủ tướng xem xét bổ sung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ – Lao Bảo dài 70 km theo hình đối tác công tư (PPP), với số vốn 7.700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đề xuất, tuyến cao tốc chạy theo hướng Đông-Tây, nối huyện Cam Lộ với Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, nền đường rộng 17 m. Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này nhằm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng, nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.

Một dự án có tính cấp bách khác là đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, dài 23 km cũng đang được gấp rút triển khai với vốn đầu tư 365 tỷ đồng. Việc đầu tư tuyến đường này nhằm phá thế độc đạo của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối với vùng miền Tây Bắc của tỉnh Quảng Trị.

Ngày 9/7 vừa qua, sau khi thị sát tuyến đường này, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang cho rằng, đây là tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch từ Đông sang Tây phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, công tác cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra và phá thế độc đạo của tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các xã phía Tây Bắc của tỉnh.

Ở vùng ven biển phía Đông, giai đoạn 2021-2025 tỉnh đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình. Dự án này có tổng chiều dài khoảng gần 56 km gồm 2 đoạn: Đoạn 1 từ Nam cầu Cửa Việt đến ranh giới tỉnh Quảng Bình dài khoảng 44 km; đoạn 2 từ đường ven biển đến trung tâm thành phố Đông Hà dài gần 12 km.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.970 tỷ đồng; trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ trên 2.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến đường theo hướng Đông – Tây.
Hệ thống cảng biển và giao thông khi hoàn thiện sẽ đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030./.

Nguồn: Nguyên Lý / TTXVN